
Thân chào bạn,
Trong thời đại bận rộn như bây giờ, thật khó để chúng ta có thời gian ngồi với nhau và chia sẻ những thông tin bổ ích. Vì thế mong bạn hãy dành một chút thời gian để đọc qua những lời tâm tình dưới đây. Huy sẽ cố gắng chia sẻ nội dung ngắn gọn, không mất thời gian nhưng vẫn đảm bảo bạn hiểu được tôi và những nội dung quan trọng nhất trong ngành thiết kế ứng dụng di động bạn nhé.
Tôi tên đầy đủ là Huỳnh Quang Huy, sinh ra và lớn lên tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đã bắt đầu sự nghiệp của mình bằng cách trở thành một kỹ sư phần mềm vào năm 2011. Từ trên ghế trường Đại học Quốc Gia - Đại học Công Nghệ Thông Tin, tôi đã bắt đầu tìm tòi và lập trình cho hệ điều hành Window Phone - lúc bấy giờ là một trong những hệ điều hành HOT nhất của thế giới. Nhờ kinh nghiệm quý báu từ sớm, tôi đã nhận ra ứng dụng di động chính là tương lai của thế giới mới.
Và đúng như thế, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2022 hiện nay, chúng ta được chứng kiến sự phát triển cực kỳ mạnh mẽ của ứng dụng di động. Sự xuất hiện của ứng dụng chơi game Flappy Bird nổi tiếng của anh Nguyễn Hà Đông đến siêu ứng dụng đặt xe Grab, kế đến là Tiktok và Shopee,... đã chứng minh một điều rằng ứng dụng di động có thể được triển khai và đem lại lợi nhuận khổng lồ trong bất kỳ lĩnh vực ngành nghề nào và thu hút bất kỳ đối tượng người dùng nào trên thế giới. Thế là khi ra trường, tôi quyết theo đuổi chuyên môn của mình là lập trình viên phát triển ứng dụng trên nền tảng Android và iOS (lúc này Window Phone đã gần như bị Microsoft khai tử, không còn phát triển thêm).
Công ty đầu tiên

Công ty FUJINET SYSTEMS JSC
Ngay từ lúc bắt đầu đi làm, tôi đã được giao nhiệm vụ lập trình ứng dụng di động quản lý tiền điện tử bao gồm: Bitcoin, Etherium, Ripple của người Nhật. Ngày đó tiền điện tử còn rất mới lạ và giá Bitcoin chỉ khoảng 600 USD/BTC. Đôi khi tôi hay đùa với mình rằng nếu như ngày ấy mua nhiều BTC để phục vụ công việc thì giờ mình đã thành đại gia rồi 😀
Thời gian ấy tôi được học rất nhiều điều quý giá từ công ty, điều mà tôi học được nhiều nhất là Quy trình phát triển phần mềm cực kì nghiêm ngặt và kỷ luật. Ngoài ra tôi cũng nhận thấy rằng, người Nhật cực kì nhạy bén trong việc đầu tư vào công nghệ mới. Không hổ danh là cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới phải không bạn.
Sau một khoảng thời gian làm việc, tôi đã tiếp tục sự nghiệp của mình tại một công ty Nhật Bản khác. Bạn đọc tiếp theo ở dưới nhé.
Tư duy đơn giản hoá vấn đề của người Nhật

Công ty TNHH ISB Việt Nam
Đây chính xác là một công ty con thuộc tập đoàn công nghệ lớn của Nhật Bản. Dự án tôi được cấp trên giao phó thuộc một trong ba dự án lớn nhất mà công ty mẹ đầu tư tại Việt Nam. Đó là ứng dụng di động thông minh kết nối với khoá cửa, giúp cho người dùng không cần mang thẻ NFC, không cần bấm vân tay, chỉ cần để điện thoại trong túi quần là đã có thể mở cửa khi đến gần, giống như khoá tự động của ô tô vậy nhưng sử dụng công nghệ Bluetooth 5.0 mới nhất lúc bấy giờ (bây giờ đã có Bluetooth 6.0 rồi) và tất cả hệ thống đều tự động hoá mà không cần con người trong việc cấp phát tài khoản, sử dụng @@. Mãi đến hôm nay, tôi vẫn không thấy bất kỳ hệ thống và khoá cửa nào như vậy ở Việt Nam. Thật sự người Nhật đã đi quá xa so với công nghệ tại Việt Nam. Thứ lỗi cho tôi vì không thể tiết lộ cụ thể trang web của sản phẩm vì lý do bảo mật nhưng tôi vẫn có thể cho bạn xem trang web của họ khi chúng ta gặp nhau.
Tất nhiên với dự án tầm cỡ như thế sẽ đi kèm với khó khăn rất lớn cho đội ngũ thiết kế và lập trình viên. Giai đoạn này tôi làm việc liên tục từ 8 giờ sáng mỗi ngày đến 10 giờ tối tại công ty trong nhiều năm liền, thậm chí có những đêm tôi còn thức tới khuya để giải quyết xong công việc, từ thiết kế sơ đồ kỹ thuật đến lập trình. Có lúc tưởng chừng như bế tắc về mặt kĩ thuật thì người Nhật lại tháo gỡ nó một cách dễ dàng, họ khiến cho tôi kinh ngạc vì tư duy giải quyết vấn đề của họ cực kì đơn giản, bắt đầu từ số 0 và đặt câu hỏi dần dần. Một điều nữa là người Nhật làm việc rất chăm chỉ. Bạn có tin nổi không, có người còn "khoe" với tôi rằng anh ấy về nhà lúc 12 giờ đêm và đi làm từ 4 giờ sáng.
Bất kỳ thử thách nào cũng vượt qua, bất kỳ gian truân nào rồi cũng bằng phẳng. Tôi đã hoàn thành công việc một cách xuất xắc nhờ sự giúp đỡ từ đội ngũ nhân viên công ty và các Sếp. Cuối năm 2017, tôi vinh dự được nhận giải Nhân Viên Xuất Xắc trong gala chào xuân 2018 của công ty. Đây là khoảng thời gian vô cùng quý giá để tôi củng cố kiến thức về mobile app cho cả nền tảng Android, iOS. Tôi đã trầy da tróc vẩy tìm đến tận cùng ngóc ngách mọi vấn đề của cả hai nền tảng này để phục vụ cho công việc.
Trải qua nhiều năm tôi đã ý thức được công nghệ chính là nền tảng để một quốc gia có thể cạnh tranh sòng phẳng với các cường quốc. Nhìn lại doanh nghiệp trong nước vẫn quanh đi quẩn lại là website wordpress, phần mềm bán hàng, phần mềm quản lý mà chúng ta mua của nước ngoài, chúng ta loay hoay để mua công cụ mà không biết rằng thế giới đã đi đến giai đoạn phát triển cực thịnh của ứng dụng di động, tất cả mọi giải pháp, mọi vấn đề đều được triển khai và giải quyết "trên tay" (mobile app). Họ đã đi đến giai đoạn sử dụng công nghệ để tạo sự khác biệt cho doanh nghiệp, tạo ra doanh thu cực lớn chứ không đơn thuần là công cụ
Nghĩ đến điều đó, tôi quyết định chia tay công ty Nhật. Trước khi đi, tôi vẫn nhớ đến lời cảm ơn từ anh Giám Đốc Điều Hành và sự đồng cảm, ủng hộ với suy nghĩ của tôi từ anh Giám Đốc Nhân Sự. Chia tay nhưng là mở đầu cho một hành trình mới - hành trình phục vụ cho doanh nghiệp Việt. Tôi bắt đầu tìm kiếm và làm việc cho doanh nghiệp Việt Nam nhằm cống hiến kiến thức mình được học trong môi trường Nhật Bản.
Hành trình phục vụ doanh nghiệp Việt Nam

Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt
Tiếp nối hành trình của bản thân. Nơi tôi phục vụ tiếp theo 100% là công ty Việt Nam, của người Việt Nam và thành lập tại Việt Nam, đó là công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt.
Ở đây tôi được giao nhiệm vụ phát triển mới hoàn toàn một ứng dụng di động giao dịch trên nền tảng Android và iOS, đây cũng là dự án để công ty khẳng định thương hiệu của mình trong kỷ nguyên số. Thật sự sau một khoảng thời gian làm việc tại công ty Nhật Bản thì gần như những yêu cầu công nghệ tại công ty Việt Nam tôi đều có thể thực hiện dễ dàng mà không gặp trở ngại nào cả, tất cả đều nhờ kinh nghiệm mà tôi chăm chỉ tích luỹ được.
Không còn những ngày làm việc hơn 12 tiếng, tôi bắt đầu dư ra một chút thời gian mỗi tối để nhận thêm dự án bên ngoài với tư cách là một lập trình viên freelancer. Bắt đầu nhận làm app giao gạo đến app tra cứu thông tin Bất động sản, app tra cứu thông tin chứng khoán, app thương mại điện tử và app bán hàng...thời gian thực hiện những dự án này giúp tôi nhận ra một sự thật cực kỳ đau lòng. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều làm mobile app một cách vô thức và không hiệu quả. Họ sử dụng mobile app để giới thiệu doanh nghiệp y chang như những gì họ làm trên website và spam đầy những thông báo phiền phức. Khách hàng của họ nhanh chóng gỡ app vì cảm thấy bị làm phiền nhiều hơn lợi ích mà doanh nghiệp đem lại.
Qua quan sát, các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam gặp muôn trùng khó khăn, họ phải đứng giữa việc chấp nhận đầu tư một số tiền quá lớn để thuê một công ty phần mềm "có tên tuổi" hoặc tìm freelancer để làm mobile app với giá rẻ. Nếu chọn công ty phần mềm lớn, họ cũng sẽ bị "đội chi phí" khủng khiếp cho mỗi lần chỉnh sửa, còn nếu chọn freelancer, khả năng cao 50% là mất trắng nếu chẳng may chọn sai người. Nhưng cho dù có chọn phương án nào đi chăng nữa, doanh nghiệp Việt Nam cũng không nhận được sự tư vấn cụ thể để hiểu rõ chức năng nào mới thật sự cần thiết, giao diện mobile app như thế nào mới thật sự tiện lợi và công nghệ nào mới nhất trên thế giới mà mobile app của họ nên có để cạnh tranh với các đối thủ khác. Ngoài ra việc tư vấn sai chiến lược công nghệ cũng khiến chi phí hàng tháng để vận hành hệ thống trở thành gánh nặng kinh tế cho doanh nghiệp. Thu không đủ chi dẫn đến thất bại trong đầu tư phát triển ứng dụng di động, từ đó họ mất niềm tin và cho rằng thiết kế mobile app không thực sự hiệu quả và phí tiền - một sự hiểu lầm tai hại.
Tôi thật sự đồng cảm với nỗi đau của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ đều là những công ty đang cố gắng từng ngày để vượt qua khó khăn và tồn tại, chỉ cần một sơ suất trong chiến lược đầu tư cũng khiến họ tụt xa so với các đối thủ khác hoặc tệ hơn nữa là biến mất khỏi thị trường. Nhưng các bạn cầm cự được trong bao lâu trong khi Việt Nam ngày càng hội nhập cùng thế giới, khi các doanh nghiệp nước ngoài tràn vào cùng hàng loạt công nghệ hấp dẫn thu hút phần lớn khách hàng Việt Nam, họ chắc chắn sẽ "nuốt chửng" chúng ta. Giới trẻ Việt Nam kể từ năm 2000 đã quá quen thuộc với điện thoại di động ngay từ khi còn nhỏ, không sớm thì muộn tầng lớp này sẽ trở thành tệp Khách hàng khổng lồ mà doanh nghiệp cần phải chinh phục nếu muốn tồn tại.
Sau khi hoàn thành phát triển ứng dụng di động tại Rồng Việt, góp công sức trong công cuộc đánh dấu tên tuổi công ty là một trong những công ty chứng khoán hàng đầu về mặt công nghệ tại Việt Nam. Tôi tiếp tục được nhận giải Nhân Viên Xuất Xắc trong 2 năm liền, nhưng thật sự niềm vui không quá lớn vì tâm trí tôi lúc bấy giờ luôn hướng về những doanh nghiệp đang mắc kẹt ngoài kia. Đầu năm 2020, tôi quyết định chia tay công ty. Bỏ lại sau lưng là những thành tựu cá nhân, tôi quyết thực hiện sứ mệnh "tối đa lợi ích từ mobile app cho doanh nghiệp Việt Nam".
Sứ mệnh đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam

Công ty TNHH Make Famous App với tên thương hiệu Appspirer chính thức được thành lập từ tháng 04/2021. Tuy rằng chỉ mới thành lập được 01 năm nhưng chúng tôi đã phục vụ cho hơn 10 khách hàng đến từ cá nhân cũng như doanh nghiệp trong nước. Một lần nữa xin chân thành cám ơn những anh chị Khách hàng đã tin tưởng và trao cho chúng tôi cơ hội trong năm vừa qua. Để có được sự tin tưởng và những lời nhận xét tốt đẹp từ Khách hàng, tôi đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong mọi tình huống khó khăn. Tôi không xuất thân từ nghề bán hàng, thậm chí đến bây giờ tôi cũng không giỏi bán hàng nữa, điều mà tôi cố gắng làm là trao cho Khách hàng những kinh nghiệm quý giá mà tôi có được trong thời gian làm chuyên môn, Khách hàng có thể không chọn công ty tôi nhưng ít ra họ sẽ tránh được phần lớn những tổn thất trong tương lai. Nếu có ai hỏi tầm nhìn, sứ mệnh và chiến lược của công ty là gì, tôi chỉ trả lời vỏn vẹn: "Phục vụ Khách hàng thật tốt và tốt hơn nữa mỗi ngày".
"Những gì tôi cố gắng hướng đến là sống đúng với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp của mình. Nếu bạn cần tư vấn làm app thì bạn sẽ chọn ai giữa một nhân viên bán hàng đang cố gắng chốt sale để chạy doanh số hay một kỹ sư phần mềm tận tâm tận lực với sản phẩm của bạn ?"